THỰC TRẠNG GIÁO DỤC TIẾNG NHẬT TẠI VIỆT NAM
Trong những năm gần đây, Nhật Bản là quốc gia đầu tư rất nhiều vào Việt Nam với tổng số tiền đầu tư hơn 4 tỷ đô la mỗi năm. Tính đến cuối năm 2019, Nhật Bản có 4.190 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 57,9 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Sau tiếng Anh, rất nhiều bạn trẻ chọn ngôn ngữ Nhật là ngôn ngữ thứ hai để học tập vì nhận thấy nhu cầu và tiềm năng rất lớn của thị trường.
Trong bài viết này, 2NF trình bày tổng quan về tình hình giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam trong những năm gần đây.
- Số lượng người Việt Nam học tiếng Nhật & Các hình thức học tập/đào tạo
Năm 2018, số lượng người học tiếng Nhật tại Việt Nam lên tới gần 175.000 người, đứng thứ sáu trên thế giới. So với kết quả điều tra lần trước vào năm 2015, tốc độ tăng số người học tiếng Nhật của Việt Nam đứng đầu thế giới.
Ngoài những hình thức phổ biến như tự học, học tại trung tâm tiếng Nhật, trường cao đẳng / đại học thì hiện nay số lượng người Việt Nam sang Nhật dưới dạng du học sinh, thực tập sinh kỹ năng cũng đang có xu hướng tăng.
Năm 2018, tại Việt Nam có 818 đơn vị đào tạo tiếng Nhật (đứng thứ 7 trên thế giới), số giáo viên là 7.030 (đứng thứ 3 trên thế giới).
Theo số liệu điều tra về sinh viên nước ngoài đang theo học tại Nhật Bản do tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) đã công bố, tính đến thời điểm ngày 1/5/2018 tổng số du học sinh người Việt tại Nhật lên tới con số 72.354 người.
Ngoài ra, trong năm 2019 số người Việt Nam ở Nhật Bản với tư cách “thực tập sinh kỹ năng” đang tăng mạnh, hiện có khoảng 190.000 người.
2. Tiếng Nhật là môn học chính thức ở trường phổ thông
Ngoài lý do phát triển theo nhu cầu của xã hội, giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam đạt được nhiều thành quả cũng một phần do quyết tâm của hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản và sự nỗ lực của các nhà quản lý giáo dục cũng như các chuyên gia tiếng Nhật của hai nước.
Từ năm 2003, khi mà tiếng Nhật chưa phát triển nóng như bây giờ, dưới sự chỉ đạo của chính phủ hai nước, Đề án giảng dạy tiếng Nhật tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Nam đã được khởi động và thực hiện suốt 10 năm.
Kết quả là, từ 1 lớp thí điểm cho học sinh lớp 6 Trường THCS Chu Văn An- Hà Nội (sau đó thí điểm tiếp ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế), đến năm 2018 trên toàn quốc đã có 25 ngàn học sinh THCS và THPT học tiếng Nhật tại trường như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2 (theo chương trình 7 năm).
Việc học và dạy tiếng Nhật tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ. Nhưng liệu chỉ học tốt tiếng Nhật đã đủ để chúng ta làm việc hiệu quả với người Nhật chưa?
3. Những điều cần học ngoài tiếng Nhật
Tuy nhiên, dường như người Việt Nam lại quá chú tâm học từ vựng, ngữ pháp, Kanji v.v mà không hiểu được tầm quan trọng của khác biệt văn hóa. 2NF xin đưa ra một số điểm cần lưu ý có ích cho các bạn trong quá trình làm việc với người Nhật.
3.1. Thói quen làm việc có kế hoạch
Ví dụ, ngay cả việc đi chơi, họ cũng lên plan cụ thể: từ mấy giờ đến mấy giờ, đi đâu, làm gì…Việc lên kế hoạch chi tiết là điều cần thiết trong cuộc sống, giúp cho chúng ta quản lý mọi việc một cách dễ dàng những cũng có nhược điểm là, khi có thay đổi gấp, hay thay đổi trong khoảng thời gian không có thời hạn thì họ thường lúng túng và khó quyết định.
Trong khi đó, nếu so sánh sẽ thấy người Việt Nam khá nhanh nhạy trong việc thích ứng nếu có sự thay đổi. Có nhiều thay đổi liên tục như kiểu người Nhật sẽ nghĩ: “Tại sao bây giờ mới nói?”, thì điều này với người Việt lại có thể đối ứng một cách dễ dàng.
Thay vào đó, người Việt lại luôn có xu hướng bắt đầu công việc ở mức sát deadline. Ví dụ như cho cùng một công việc, cùng kỳ hạn trong vòng hai tuần phải hoàn thành, thì người Nhật sẽ làm xong công việc đó trong vòng một tuần đầu tiên, tuần tiếp theo là dành cho việc chỉnh sửa và hoàn thiện. Còn người Việt sẽ không hoàn thành công việc đó trong tuần đầu mà cố gắng hết sức ở tuần cuối. Kể cả khi có vấn đề phát sinh, họ sẵn sàng thức đêm để hoàn thành công việc.
3.2. Cách từ chối
Ở Việt Nam, đa số người ta sẽ nói ra vấn đề của mình rằng có việc bận, hoặc thậm chí nói thẳng là không muốn đi vì một lí do nào đó. Đối với tư duy người Việt, nói thẳng ra vấn đề chính là cách minh chứng cho sự thành thật của mình đối với đối phương.
Còn người Nhật có xu hướng tránh làm mất lòng người khác, người Nhật hiếm khi nói “không”.
3.3. Nguyên tắc về thời gian
Ý thức tuân thủ nguyên tắc về thời gian ở Việt Nam dường như chưa được đề cao đúng mức. Việc trễ hẹn năm bảy phút là chuyện thường tình. Và cũng chẳng mấy ai phàn nàn về điều đó bởi nó đã ăn sâu vào nếp sống. Và sự cố gắng để thay đổi một hành vi mà cả xã hội chấp nhận dường như không mấy được lưu tâm.
Ngược lại, người Nhật rất coi trọng thời gian. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi đối chiếu lịch trình giờ tàu chạy với điểm thời gian thực tế mà tàu đến ga, hoặc khi sắp xếp một cuộc hẹn với người Nhật và luôn thấy họ đến trước giờ hẹn ít nhất 5 phút. Thói quen đó ăn sâu vào mỗi cá nhân và dần trở thành một quy tắc ngầm, một ý thức cơ bản. Việc đúng giờ là điều nên làm trong mọi tình huống.
3.4. “Tư tưởng cá nhân” và “gắn kết tập thể”.
Ở Việt Nam, nếu không nổi bật chúng ta khó làm được gì cả. Tư tưởng cá nhân của người Việt cũng mạnh mẽ và chi phối nhiều hoạt động. Bạn giỏi thì bạn phải giữ cái giỏi đấy cho mình, nếu bạn chia sẻ kiến thức hay cho người khác rất có thể họ sẽ giỏi hơn bạn và vị thế của bạn bị đe doạ. Đây là sự thực mà các công ty Nhật ở Việt Nam rất khó thay đổi khi họ muốn các nhân viên của mình truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức cho nhau để cùng có 1 tập thể lớn mạnh.
Còn người Nhật thì lại có ý thức cộng đồng rất cao. Để sống hoà hợp ở Nhật khả năng cần thiết là phải biết “đọc không khí” – khả năng hoà nhập. Công ty Nhật đề cao khả năng chia sẻ kiến thức, giúp đỡ người khác cùng phát triển, chứ không đề cao một tài năng sáng chói lẻ tẻ.
Từ văn hóa tới công việc
Có thể nói, dối với giao tiếp thì ngôn ngữ là cầu nối còn văn hóa giống như trái tim để đưa con người xích lại gần nhau. Để được coi là người có khả năng giao tiếp, ngoài việc giỏi ngôn ngữ bạn cũng cần phải hiểu rõ được văn hóa để từ đó có cách lý giải / giải quyết hợp lý.
Ví dụ, văn hóa công việc của người Nhật luôn yêu cầu phải có kế hoạch, lịch trình cụ thể. Đối với người Việt luôn coi trọng sự phóng khoáng thì điều này có thể hơi “cứng nhắc” nhưng nếu bạn hiểu được tập quán của người Nhật thì sẽ dễ thông cảm và không còn cảm thấy khó chịu nữa.
Tóm lại, hiện nay số lượng người Việt học tiếng Nhật đang ngày càng tăng nhưng chất lượng thì lại không được đánh giá cao. Thiết nghĩ, ngoài việc học tốt tiếng Nhật thì chúng ta cũng nên tìm hiểu văn hóa và các thói quen của đối phương.
Liên quan đến văn hóa, giao tiếp với người Nhật, 2NF cũng có 1 số bài chia sẻ liên quan như Cẩm nang giao tiếp, Kỹ sư cầu nối. Mời các bạn tìm đọc.